Gan nằm ở đâu? Cấu tạo và chức năng của gan với cơ thể

Cập Nhật Sức Khỏe

Gan là nội tạng lớn nhất và có vai trò quan trọng nhất, chiếm tới 1/20 trọng lượng cơ thể với trẻ nhỏ và 1/50 trọng lượng cơ thể với người trưởng thành. Bộ phận này thực hiện những công việc thiết yếu với sự sống. Tuy nhiên, ít ai biết được gan nằm ở đâu và cấu tạo, chức năng cụ thể của gan với cơ thể ra sao? Hãy cùng Blog Thuật Ngữ tìm hiểu nhé!

Vị trí của Gan

Gan là cơ quan nội tạng màu đỏ sẫm, trọng lượng từ 1,4-1,6kg. Vị trí của gan được mô tả như sau:

Gan nằm ở đâu? Cấu tạo và chức năng của gan với cơ thể

Gan nằm ở vùng nào?

Gan ở bên dưới cơ hoành, bên trên là vòm hoành phải. Một phần của nó thì nằm ở bên trái, ngay dưới vòm hoành trái, thượng vị.

Gan nằm bên nào?

Gan nằm bên phải ổ bụng và gần nhiều cơ quan khác: Phía trước bên phải là dạ dày, phía sau bên phải là thận phải, bên dưới là ruột non và ruột già, mặt dưới là túi mật.

Gan nằm vị trí nào trong cơ thể?

Gan có hình thù giống một nửa quả dưa hấu cắt lệch, bề ngang 28cm, bề trước sau 18cm, cao tầm 8cm. Phần dưới gan chạy dọc cung sườn phải, bắt qua thượng vị và cung sườn trái. Điểm cao nhất của cơ quan này ở sau xương sườn thứ 5 bên phải, dưới vú. Gan di động theo nhịp thở và sự di chuyển của cơ hoành.

Cấu tạo của Gan

Gan được bao bọc bởi các phúc mạc, là lớp màng kép, mỏng có khả năng làm giảm ma sát giữa các bộ phận với nhau. Dưới phúc mạc là áo xơ ở cửa gan, áo xơ đi vào trong gan cùng các mạch tạo nên bao xơ quanh mạch hay còn gọi là bao Glisson.

Gan nằm ở đâu? Cấu tạo và chức năng của gan với cơ thể

Gan được chia thành 2 thùy gồm thùy phải và thùy trái. Sự phân chia này dựa vào vị trí của dây chằng liềm nối liền gan với cơ hoành và thành bụng trước. Thùy phải thường to hơn thùy trái. Mỗi thùy gan lại có hàng ngàn đơn vị cấu trúc rất nhỏ hình lục giác. Mỗi đơn vị này gồm 1 tĩnh mạch chạy xuyên qua giữa tâm và cuối cùng tập trung về tĩnh mạch gan. Tĩnh mạch gan đưa máu từ gan về tim.

Mặt ngoài của mỗi đơn vị cấu trúc là các tĩnh mạch, động mạch nhỏ và hệ thống ống dẫn, đưa chất lỏng đến và đi. Mạng lưới này có thể truyền qua gan 1,4 lít máu/ phút, khoảng 2000 lít máu một ngày đêm. Lượng máu này sau khi qua gan sẽ được chuyển về tim, để phân phối cho các bộ phận khác.

Chức năng của Gan

Chức năng của gan: Gan là  cơ quan tiêu hóa lớn nhất trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng sống còn, thực hiện nhiều chức năng thiết yếu cho sự sống:

Gan nằm ở đâu? Cấu tạo và chức năng của gan với cơ thể

Gan là cơ quan dự trữ

Gan dự trữ glycogen, lipid, các protein, sắt,  vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K và vitamin B12. Ngoài ra, gan còn dự trữ sắt từ hemoglobin dưới dạng ferritin để sẵn sàng tạo ra các hồng cầu mới.

Chức năng chuyển hóa

Gan thực hiện chức năng chuyển hóa, biến đổi thức ăn thành những chất cần thiết cho sự sống và phát triển.

  • Chuyển hóa carbohydrate: gan lưu trữ carbohydrate dưới dạng glycogen. Khi cơ thể cần, gan sẽ phân hủy glycogen thành glucose giải phóng vào máu để duy trì mức đường máu bình thường.
  • Chuyển hóa chất béo: dịch mật được tiết ra từ gan giúp phá vỡ chất béo, oxy hóa chất béo cung cấp năng lượng cho cơ thể.
  • Chuyển hóa protein: sự chuyển hóa protein ở gan xảy ra rất mạnh mẽ, giúp phá vỡ protein để tiêu hóa.

Chức năng tổng hợp của gan

Gan tổng hợp protein: tế bào gan sản xuất gần 50% lượng protein trong cơ thể. Do đó, gan có khả năng tái sinh rất mạnh, gan có thể tự tái tạo trở lại sau khi bị cắt bỏ một phần.

Gan tổng hợp các yếu tố trong quá trình đông máu như fibrinogen, phức hệ protrombin, heparin.

Gan tổng hợp hormone angiotensinogen, có vai trò điều hòa huyết áp.

Gan tổng hợp albumin, là protein phổ biến nhất trong huyết thanh. Albumin giúp vận chuyển acid béo, hormone steroid giúp duy trì áp lực máu và ngăn ngừa rò rỉ mạch máu.

Gan sản xuất mật

Mật là một chất lỏng màu xanh hoặc vàng, pH khoảng 7-7,7. Mỗi ngày gan tiết ra khoảng 0,5 lít mật, Trong mật gồm có muối mật, sắc tố mật, cholesterol, bilirubin, chất điện giải và nước. Mật có vai trò giúp ruột non phân giải và hấp thụ hất béo, cholesterol và một số vitamin.

Các chức năng khác

Gan giúp khử độc, lọc và loại bỏ các chất bất lợi ra khỏi cơ thể, như một số hormone, rượu, các loại thuốc được sử dụng.

Chuyển hóa các thuốc được hấp thu từ đường tiêu hóa thành dạng có tác dụng đối với cơ thể.

Trong ba tháng đầu của thai kỳ, gan là cơ quan tạo hồng cầu chính của thai nhi. Đến tuần 32 của thai kỳ, tủy xương mới bắt đầu đảm nhận chức năng này.

Vòng đời của hồng cầu là 120 ngày. Sau khoảng thời gian này, một phần hồng cầu sẽ được gan giáng hóa tạo thành các sản phẩm chuyển hóa đi vào dịch mật dưới hình thức các sắc tố mật.

Gan là một bộ phận của hệ miễn dịch. Gan chứa một số lượng lớn các tế bào Kupfler (đại thực bào) giúp ngăn chặn, phá hủy các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào gan và ruột.

Bài viết liên quan